Nội dung chính
Nám da và tăng sắc tố là hai vấn đề da liễu thường xuyên bị nhầm lẫn do có nhiều điểm tương đồng về biểu hiện bên ngoài. Điều này có thể dẫn đến việc chẩn đoán sai tình trạng da và không có phương pháp điều trị phù hợp, vì vậy mà không đạt được kết quả điều trị như kỳ vọng. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa tăng sắc tố và nám da trong bài viết dưới đây để có sự lựa chọn phù hợp trong quá trình điều trị.
Thế Nào Là Tăng Sắc Tố Và Nám?
Tăng sắc tố
Tăng sắc tố là tình trạng da sản sinh quá mức tế bào melanin do bị kích thích chủ yếu bởi các yếu tố ngoại sinh (ánh nắng mặt trời, tổn thương trên da,…) hoặc yếu tố nội sinh (viêm nhiễm, thay đổi hormone,…). Tình trạng này dẫn tới hình thành các vùng da sẫm màu hơn bình thường và được biểu hiện dưới dạng tàn nhang, các vết thâm, rám nắng hoặc các vết bớt bẩm sinh ở lớp biểu bì trên da.
⇒ Tham khảo thêm: Phân Biệt Nám Nội Tiết Và Các Loại Nám Khác
Nám da
Trong khi đó, nám da là một dạng rối loạn sắc tố mãn tính, đặc trưng bởi các mảng da màu nâu hoặc xám trên da xuất hiện thường xuyên ở vùng da mặt như trán, má và cằm. Đối với nám da, các tế bào gây nám có thể không chỉ xuất hiện ở lớp biểu bì mà còn có khả năng ăn sâu xuống lớp hạ bì, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.
Phân Biệt Tăng Sắc Tố Và Nám Da
Nguyên nhân
Nám da chủ yếu bắt nguồn từ sự thay đổi hormone nội tiết trong cơ thể. Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa sắc tố da, đặc biệt đối với phụ nữ. Trong các giai đoạn mà cơ thể phải trải qua các sự thay đổi lớn như quá trình mang thai, sau sinh, hoặc tiền mãn kinh, thì các hormone nội tiết như estrogen có thể bị biến đổi không kiểm soát. Vì loại hormone này có tác động trực tiếp tới quá trình sản sinh sắc tố trên da nên khi xảy ra tình trạng mất cân bằng thì sẽ dễ kích thích sản sinh quá mức tế bào hắc sắc tố, dẫn đến hiện tượng xuất hiện vùng da bị nám. Đặc biệt, nếu hàng rào bảo vệ da bị suy yếu do tác động từ các tác nhân bên ngoài như tia UV, khói bụi,… thì sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào melanin dễ sản sinh và tích tụ thành các mảng nám trên da.
Mặt khác, tăng sắc tố thường xảy ra khi cơ chế tự bảo vệ hoặc tự lành thương của làn da diễn ra. Khi làn da tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như ánh nắng mặt trời thì các tế bào hắc sắc tố melanin sẽ được thúc đẩy tăng sinh nhằm củng cố lớp màng bảo vệ cho da. Tuy nhiên, quy trình đào thải melanin của cơ thể lại diễn ra rất chậm. Vậy nên khi có quá nhiều tế bào melanin, cơ thể khó loại bỏ được hết, dẫn đến việc chúng sẽ tập trung thành từng cụm và biểu hiện thành các đốm hoặc mảng da thẫm màu. Bên cạnh đó, khi làn da phải trải qua các tổn thương như viêm da, mụn trứng cá hoặc những tổn thương do sử dụng quá mức hoặc không đúng cách các phương pháp thẩm mỹ có xâm lấn (như laser, chemical peel,…) thì cũng dễ dẫn đến sản sinh quá mức tế bào melanin, gây ra tình trạng tăng sắc tố trên da.
Vị trí xuất hiện
Nám da thường xuất hiện ở vùng da mặt do đây là vùng da nhạy cảm và phải tiếp xúc nhiều với môi trường ngoài. Thêm vào đó, hormone thường được phân bố đồng đều ngay cả khi tình trạng rối loạn xảy ra. Chính vì vậy, quá trình sản sinh melanin dư thừa do rối loạn hormone cũng diễn ra đồng đều ở các vùng da đối xứng nhau. Do đó, nám da thường được thấy ở các vùng da có tính chất tương xứng nhau như hai bên má, trán và cằm.
Tăng sắc tố có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, đặc biệt tại các khu vực từng chịu tổn thương. Tăng sắc tố thường không đối xứng và kích thước các vùng sắc tố có thể dao động từ rất nhỏ (như tàn nhang) đến các đốm và thậm chí cả các mảng lớn.
Đặc điểm sắc tố
Mặc dù xét về biểu hiện bên ngoài, nám da và tăng sắc tố không có nhiều điểm khác biệt nhưng khi tiến hành thăm khám kỹ, hai vấn đề này lại có những đặc điểm riêng biệt nhất định:
- Nám da: có màu đồng đều, từ nâu nhạt đến nâu sẫm hoặc xám xanh, tùy thuộc vào độ sâu của chân nám. Ranh giới của vùng da bị nám thường mờ và không rõ nét nên việc phân biệt vùng da bị nám với các vùng da khác có thể gặp nhiều khó khăn
- Tăng sắc tố: thường là các đốm nhỏ hoặc các vùng da với màu sắc đậm hơn, có thể là nâu đen hoặc đen tùy vào độ tổn thương của da. Tăng sắc tố có ranh giới rõ ràng hơn so với nám da và dễ nhận biết khi so
Đối tượng có nguy cơ mắc phải
Nám da thường xuất hiện nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 50 khi cơ thể có khả năng trải qua nhiều thay đổi, dẫn tới rối loạn nội tiết – nguyên nhân chính hình thành nám da. Trong khi đó, tăng sắc tố có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi độ tuổi, đặc biệt thường xuất hiện trên làn da dễ tổn thương, như da có mụn trứng cá hoặc có tiền sử viêm da mãn tính. Đặc biệt, đối với những người sở hữu làn da sẫm màu, cả tăng sắc tố và nám đều có nguy cơ tồn tại lâu hơn và đậm màu hơn do hoạt động mạnh mẽ của melanocyte – tế bào sản sinh ra hắc sắc tố trên da.
Phương pháp điều trị
Các tế bào melanin gây tăng sắc tố thường tập trung chủ yếu ở lớp biểu bì, lớp ngoài cùng của da, nên việc điều trị thường không quá phức tạp và có thể đạt hiệu quả cao với các phương pháp không xâm lấn. Sử dụng các sản phẩm treatment như vitamin C, retinoids, hoặc niacinamide có thể ức chế sự hình thành melanin và làm sáng da hiệu quả. Một số phương pháp xâm lấn tối thiểu như chemical peel hay mesotherapy cũng thường được ứng dụng trong điều trị với khả năng loại bỏ lớp tế bào sừng chứa melanin một cách an toàn, kích thích sản sinh tế bào da mới, mang lại kết quả làm sáng rõ rệt.
Trong khi đó, nám da là một tình trạng tăng sắc tố phức tạp hơn do các tế bào melanin không chỉ nằm ở lớp biểu bì mà còn xâm nhập sâu hơn vào lớp trung bì, thậm chí cả lớp hạ bì. Điều này khiến việc điều trị nám khó khăn hơn nhiều so với tăng sắc tố thông thường và đòi hỏi cần ứng dụng các phương pháp có xâm lấn để đạt hiệu quả tối ưu. Các phương pháp xâm lấn phổ biến trong điều trị nám có thể kể đến như laser, phi kim hoặc lăn kim trong một số trường hợp cũng sẽ được chỉ định điều trị bổ sung với mesotherapy hoặc chemical peel để phá vỡ các cụm melanin nằm sâu dưới da một cách triệt để và làm mờ các mảng nám tối đa.
Kết luận
Nám và tăng sắc tố thường bị nhầm lẫn do nhiều đặc điểm tương đồng liên quan đến sự rối loạn melanin. Trên thực tế, hai tình trạng da liễu này bao gồm nhiều yếu tố đến từ nguyên nhân, bản chất và cơ chế hình thành hoàn toàn khác nhau, vậy nên đòi hỏi phải có các phương pháp điều trị riêng biệt để tối ưu hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, cả hai đều là vấn đề da liễu phức tạp nên hãy tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Với đội ngũ chuyên gia và bác sĩ da liễu giàu kinh nghiệm, phòng khám da liễu Medicare Clinic luôn được đánh giá là một trong những địa chỉ đáng tin cậy cho những ai đang gặp vấn đề về nám da và tăng sắc tố. Trước khi điều trị, khách hàng luôn được thăm khám kỹ lưỡng và nhận tư vấn về phác đồ điều trị được cá nhân hóa theo tình trạng da thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu. Hãy để lại thông tin về tình trạng da của bạn tại đây để nhận tư vấn miễn phí từ các chuyên gia tại Medicare ngay hôm nay!
Cùng theo dõi các bài viết tiếp theo của Medicare để nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe da bạn nhé!