Nguyên Nhân Gây Ra Sẹo Rỗ Và Cách Hạn Chế

Nguyên Nhân Gây Ra Sẹo Rỗ Và Cách Hạn Chế

Sẹo rỗ hay những vết lõm trên da, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Hiểu rõ nguyên nhân hình thành và cách hạn chế sẹo rỗ là tiền đề quan trọng để bảo vệ và duy trì làn da mịn màng, hạn chế tối đa sự xuất hiện của các khuyết điểm không mong muốn. 

Sẹo rỗ là gì?

Sẹo rỗ là tình trạng da xuất hiện những vết lõm nhỏ, lỗ chỗ trên bề mặt, do sự suy giảm mô dưới da và thường xảy ra sau khi da bị tổn thương do mụn trứng cá, thủy đậu, chấn thương hoặc các vấn đề da liễu khác.

Hậu quả của sẹo rỗ là làm mất đi độ mịn màng và đều màu của làn da, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể khiến người mắc cảm thấy tự ti. Các vết sẹo rỗ thường khó tự phục hồi hoàn toàn mà cần các phác đồ điều trị sẹo rỗ chuyên sâu.

Mụn trứng cá gây ra sẹo rỗ
Mụn trứng cá gây ra sẹo rỗ thường bị nhầm tưởng thành lỗ chân lông

Nguyên nhân gây sẹo rỗ

Mụn trứng cá

Thông thường khi mụn xuất hiện, mọi người có xu hướng tự nặn mụn và tự điều trị. Việc nặn mụn sai cách kéo theo việc điều trị mụn thiếu kiến thức dễ gây tổn thương cho bề mặt da, từ đó trở thành nguyên nhân gây ra sẹo rỗ.

Sẹo rỗ sau viêm mụn thường là loại sẹo đáy nhọn có bề mặt tròn đều, hõm sâu, diện tích không quá lớn (2 – 5mm) và thường xuất hiện ở vị trí da tiết dầu nhiều như trán, hai bên má và mũi.

Thủy đậu

Thủy đậu gây nên vết phồng rộp, khi vỡ dễ để lại sẹo. Với các vết phồng trên các vùng da nhạy cảm như da mặt nếu không được chăm sóc kỹ thì nguy cơ để lại sẹo rỗ rất cao. Sẹo rỗ xuất hiện do thủy đậu có bề mặt từ 3-8mm, kích thước lớn hơn nhưng nông so với sẹo sau viêm mụn.

Các chấn thương và phẫu thuật

Các chấn thương và phẫu thuật có thể gây tổn thương mô sâu, gây các phản ứng viêm quá mức và kìm hãm quá trình tái tạo collagen phục hồi mô. Thậm chí, vết thương có thể bị nhiễm trùng, dẫn tới những hệ quả khôn lường. 

Việc chăm sóc không đúng cách sau điều trị cũng như các yếu tố liên quan đến cơ địa cũng sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo rỗ. Sẹo rỗ do chấn thương thường chiếm diện tích khá rộng trên da và khó điều trị.

Các bệnh về da khác

Các bệnh lý về da thường gây tổn thương sâu dưới da. Quá trình mắc phải các bệnh này sẽ khiến các mô dưới da chịu tổn thương, giảm độ đàn hồi và săn chắc. Đây chính là điều kiện thuận lợi để sẹo rỗ hình thành và phát triển.

Một số bệnh lý thường gặp có nguy cơ để lại sẹo rỗ cao có thể kể đến như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc hay lao da, … Thêm vào đó, sẹo do bệnh lý về da để lại có thể bao gồm cả 3 loại thường thấy: sẹo đáy nhọn, sẹo đáy vuông, sẹo đáy tròn với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Cách hạn chế sẹo rỗ

Chăm sóc da hàng ngày

Nhằm hạn chế mụn xuất hiện, hãy làm sạch da đều đặn 2 lần mỗi ngày bằng các sản phẩm làm sạch chuyên dụng như nước tẩy trang và sữa rửa mặt. Da mặt không còn vi khuẩn, bụi bẩn sẽ ngăn chặn tình trạng lỗ chân lông bị bít tắc, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mụn trứng cá.

Đừng quên chống nắng và che chắn kỹ khi ra ngoài, ngay cả khi trời không nắng. Tia UV từ môi trường bên ngoài rất dễ gây suy yếu hàng rào bảo vệ da. Từ đó, da trở nên dễ bị tổn thương hơn, dễ nổi mụn và sẹo rỗ dễ hình thành.

Xử lý mụn đúng cách

Không được tự ý nặn mụn vì có thể gây ra tổn thương sâu hơn cho da. Hãy tìm hiểu thật kỹ về cách xử lý mụn và thăm khám đúng chỗ để biết xử lý đúng cách.

Đồng thời, trong quá trình điều trị mụn, tránh việc sử dụng các sản phẩm có thành phần điều trị mụn như benzoyl peroxide, salicylic acid, và retinoids mà không có ý kiến bác sĩ. Việc này dễ dẫn tới tình trạng bị sẹo rỗ sau mụn trên da.

Cách hạn chế sẹo rỗ nhờ xử lý mụn đúng cách
Giảm sẹo mụn nhờ xử lý mụn đúng cách

Chăm sóc vết thương đúng cách

Khi da xuất hiện vết thương, hãy luôn đảm bảo vết thương được sạch sẽ. Nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn nhẹ thường được dùng để đảm bảo điều này. Cách này giúp hạn chế sẹo rỗ khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, nên băng bó, bảo vệ thường xuyên với vết thương mới để tránh vi khuẩn và bụi bẩn. Khi vết thương bị nhiễm trùng, cần được phát hiện và thăm khám kịp thời.  Lưu ý, hạn chế gãi hoặc động chạm tới vùng da bị tổn thương. Làn da cần quá trình hồi phục nhất định nên việc hạn chế tác động tới sẽ giảm khả năng xuất hiện sẹo.

Thiết lập ăn dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh

Cơ thể cần được nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng để duy trì sự khỏe mạnh. Các vitamin và khoáng như vitamin E,C, kẽm và omega-3 là những chất có lợi cho da, giúp da tươi sáng và rạng rỡ. Có thể tìm thấy các chất này trong các thực phẩm như trái cây, rau xanh, cá và các loại hạt. Những chất dinh dưỡng này cũng cần thiết cả trong quá trình điều trị sẹo rỗ.

>> Tham khảo: Chế độ ăn uống khi điều trị sẹo rỗ 

Ngoài các thực phẩm kể trên, các khoáng chất có thể được bổ sung thông qua việc hấp thu nước cho cơ thể. Duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể bổ sung đủ khoáng chất mà còn hỗ trợ da trong quá trình duy trì độ ẩm và phục hồi khỏi những vấn đề da liễu. 

Bên cạnh đó, giấc ngủ và tinh thần thoải mái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ làn da luôn tươi sáng. Hãy đảm bảo ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng để làn da được ở trong tình trạng tốt nhất.

Kết luận

Sẹo rỗ khiến cuộc sống bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, hiểu rõ nguyên nhân hình thành sẹo rỗ và thực thi các biện pháp chăm da đúng cách sẽ là cách hạn chế sẹo rỗ tốt nhất. Từ những thói quen nhỏ nhất như thiết lập chế độ ăn uống đến việc điều trị mụn, chăm da đúng cách đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh. Hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ đó để làn da bạn được bảo vệ tốt nhất nhé.

  • Trang chủ
  • Phone
  • Mail
  • Messenger
  • Zalo